Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Hàng ngàn người Trung Quốc biểu tình chống nhà máy hóa chất ở Đại Liên

Biểu tình tại thành phố cảng Đại Liên (Trung Quốc)
Vào sáng nay 14/8, có đến 12.000 người dân ở thành phố cảng Da LianĐại Liên) tỉnh Liao Ning(Liêu Ninh) (miền Đông Bắc Trung Quốc), tập hợp trước trụ sở chính quyền, đòi phải dời đi nơi khác một nhà máy hoá chất chế tạo chất paraxylen, một loại chất lỏng dễ cháy sử dụng trong ngành vải sợi polyester. Chính quyền đã phải ra lệnh đóng cửa ngay nhà nhà máy này, trước sự phản đối của cư dân, vốn rất lo ngại bị ô nhiễm tác hại.
Do ảnh hưởng của cơn bão Muifa gây mưa to gió lớn, ngày 08/08 vừa qua, cư dân chung quanh nhà máy này đã phải di tản vì con đê của nhà máy đã bị sóng to phá vỡ. Nay tuy con đê đã được chữa xong, nhưng dân chúng vẫn lo ngại chất độc thất thoát gây nguy hại cho sức khoẻ cũng như môi trường sống của họ.
Hãng tin AFP trích dẫn Tân Hoa Xã, cho biết là hàng trăm cảnh sát đã được huy động đến nơi, nhiều vụ xô xát đã diễn ra, nhưng theo thông tấn xã Trung Quốc, không có ai bị thương. Người biểu tình đã tỏa ra các con đường ở trung tâm thành phố, giơ cao biểu ngữ đòi một môi trường lành mạnh để sống còn.
Theo Tân Hoa Xã, do người biểu tình không chịu giải tán, chính quyền thành phố đã ra lệnh đóng cửa ngay nhà máy, và hứa sẽ di dời cơ sở này đi nơi khác, tuy nhiên thời điểm cụ thể thì không nói rõ, trong lúc người dân đòi một lịch trình cụ thể.
Hình ảnh cuộc xuống đường hôm nay lúc đầu được truyền đi rộng rãi trên mạng internet, nhưng sau đó đã bị chính quyền nhanh chóng kiểm duyệt.
Giới quan sát ghi nhận là tại Trung Quốc, gần đây các cuộc biểu tình liên tục xẩy ra, người dân không còn e ngại xuống đường bày tỏ nỗi bất bình và đương đầu với nhân viên công lực. Trước vụ biểu tình hôm nay ở Da Lian (Đại Liên), thứ năm vừa qua, hàng ngàn người cũng đã biểu tình bạo động, đốt xe cảnh sát ở GuiZhou (Quý Châu)(miền Tây Nam  Trung Quốc), khi một phụ nữ đã bị công an hành hung vì đậu xe không đúng nơi quy định.
Những hành động trên theo giới phân tích, bắt nguồn từ tình trạng tức nước vỡ bờ, người dân uất ức trước bất công xã hội, cuộc sống khó khăn và phải chiụ sự sách nhiểu của giới chức lạm quyền, tham ô.
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20110814-hang-ngan-nguoi-trung-quoc-bieu-tinh-tai-thanh-pho-dai-lien-chong-mot-nha-may-hoa-ch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét