Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Không có cách viết đồng nhất cho danh từ riêng tiếng nước ngoài?

Bùi Văn Phú



Đọc báo trong nước, nhiều khi tôi phải dừng lại một lúc để suy nghĩ xem những tên người và địa danh ngoại quốc được nhắc đến là nhân vật nào, nơi chốn nào.
Thí dụ như một đoạn dưới đây trên báo Quân đội Nhân dân ngày 20.03.2010.

Trong bối cảnh Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đang chịu búa rìu dư luận vì những thất bại và sai lầm trong cuộc chiến chống khủng bố, một quan chức Lầu Năm Góc đã thành lập một mạng lưới tình báo riêng để săn lùng các chiến binh Hồi giáo ở Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan. Đó là Mai-cơn Phơ-lông, một sĩ quan quân đội nghỉ hưu và hiện giờ đang là nhân viên dân sự cấp cao làm việc tại căn cứ không quân Lách-len ở Xan An-tô-ni-ô, bang Tếch-dát. Không rõ chính xác khi nào hoạt động của mạng lưới này bắt đầu, nhưng các giới chức Mỹ cho biết, có vẻ như các hoạt động này được đẩy mạnh vào mùa hè năm 2009.

Giải mã những cụm từ tiếng nước ngoài đã được phiên âm ra tiếng Việt, tôi hiểu như sau:

- Áp-ga-ni-xtan = Afghanistan
- Pa-ki-xtan = Pakistan
- Mai-cơn Phơ-lông = Michael Furlong
- Lách-len = Lackland
- Xan An-tô-ni-ô = San Antonio
- Tếch-dát = Texas

Bài báo trên là thông tin thời sự và tôi sống ở Hoa Kỳ nên có thể hoán chuyển từ kí âm tự ra tên viết tương đối dễ. Đối với một người không quen tiếng Anh thì thật khó biết được chính xác tên người và những địa danh nêu trong bài báo.

Một thí dụ khác, trích dẫn từ báo Nhân dân, phần Tin giờ chót, ngày 20.03.2010:

* Tại cuộc họp của Nhóm “Bộ tứ” về Trung Ðông ở Mát-xcơ-va, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun đã yêu cầu I-xra-en chấm dứt ngay việc xây dựng các khu định cư mới, đồng thời kêu gọi Israel và Palestine nối lại các cuộc thương lượng trong vòng 24 tháng tới.

* Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ cho Indonexia vay 27 tỷ yên để xây dựng nhà máy điện địa nhiệt ở Lu-mút Ba-lai, Nam Xu-ma-tơ-ra. Việc cho vay sẽ được thực hiện thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

* Phó Tổng Thư ký LHQ A. Mi-gi-rô kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy nỗ lực hơn nữa để kết thúc Vòng đàm phán Ðô-ha về tự do thương mại quốc tế trong năm nay.

* Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ Ðen-nít Ble đã thăm Ấn Ðộ và thảo luận với Bộ trưởng Nội vụ P. Chi-đam-ba-ran về những biện pháp chống chủ nghĩa khủng bố.

* Bộ trưởng Ngoại giao Argentina Hoóc-hê Tai-a-na thúc giục Chính phủ Anh đáp ứng yêu cầu của LHQ sớm bắt đầu cuộc đàm phán với quốc gia Nam Mỹ này về chủ quyền đối với quần đảo Man-vi-nát đang tranh chấp.

Đọc hết các tin ngắn trên, tôi chỉ có thể giải mã được địa danh Indonexia (Indonesia), Xu-ma-tơ-ra (Sumatra), I-xra-en (Israel) và tên một người là Đen-nít Ble (Dennis Blair) và đoán ra một vài tên khác, nhưng không chắc lắm. Nếu muốn tìm trên Internet thêm thông tin về những nhân vật hay địa danh in đậm và dùng từ khoá như cách viết trong bài báo thì sẽ khó có thể tìm được đúng những gì muốn biết thêm.

Nhưng không phải tất cả báo trong nước đều dùng kí âm để viết tên người và địa danh tiếng nước ngoài.

Đọc tờ Công an Nhân dân ngày 01.05.2009 không thấy có cách viết tên người theo lối đã phiên âm ra tiếng Việt.

James Kean – một trong những cố vấn Mỹ cuối cùng rút chạy bằng máy bay ngày 30/4/1975, tức tối: “Chúng tôi đã dốc công dốc của xây dựng và trao cho ông Thiệu một đội quân đông thứ tư trên thế giới nhưng cuối cùng đã chịu đại bại trước Việt Cộng. Thật là nhục nhã và đáng xấu hổ…”


Đại sứ Mỹ Martin thật sự hoang mang. Martin và tướng Smith nhất trí là “Phải thực hiện ngay phương án 4 thôi, nếu không chúng ta chỉ là những kẻ ngu dại và sẽ chết ráo ở đây” (tức tháo chạy ra biển bằng máy bay lên thẳng, phương án được xem là làm mất thể diện người Mỹ). Và tình hình được cấp tốc báo cáo về Mỹ. Tổng thống Hoa Kỳ lúc này là Gerald Ford, Bộ trưởng Quốc phòng Shlessinger, Ngoại trưởng Henry Kissinger cũng thống nhất cần gấp rút di tản người Mỹ ra khỏi Sài Gòn.

Giám đốc Cơ quan tình báo Hoa Kỳ lúc đó là William Colby triệu tập cuộc họp khẩn cấp các trợ thủ hàng đầu…

Báo Sài Gòn giải phóng ngày 27.12.2006 cũng viết tên đúng như gốc của nhân vật và địa đanh:

Gerald Rudolph Ford, vị tổng thống thứ 38 của Mỹ vừa từ trần tại nhà riêng ở Rancho Mirage, California, ở tuổi 93, theo một thông báo từ văn phòng của ông.

Còn báo Nhân dân ngày 29.09.2009 lại có cả hai cách viết, trong cùng một bài báo:

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Raul Castro Ruz
… nhiệt liệt chào đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại sảnh chính của Cung Cách mạng.

Trước đó, sáng 27-9, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đặt vòng hoa tại Tượng đài Anh hùng dân tộc Cuba Jose Marti trên Quảng trường Cách mạng ở Thủ đô Havana và thăm khu tưởng niệm Anh hùng Jose Marti. Tiếp đó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đặt vòng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Công viên Hồ Chí Minh ở Thủ đô Havana. Cùng dự buổi lễ về phía Cuba có Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Cuba, Chủ tịch Hội hữu nghị Cuba – Việt Nam Y-ô-lan-đa Phơ-rê; Trưởng ban Ðối ngoại T.Ư. Ðảng CS Cuba Hoóc-hê Mác-ti.

Vấn đề đặt ra ở đây là cần có một tiêu chí về cách viết tên người nước ngoài để độc giả nếu muốn hiểu biết thêm có thể dễ dàng tìm được những đường dẫn, những nguồn thông tin khác để truy cập trong thời đại thông tin mạng.

Về cách viết tên quốc gia cũng thế. Nhiều tên được viết theo kí âm như Indonêxia, Malayxia, Philippin hay theo cách viết như đã dẫn trên, nhưng có tác giả vẫn dùng lối viết tên gốc. Có người viết cả hai cách.

Ông Lưu Văn Lợi, một nhà ngoại giao kì cựu, trong tác phẩm “Ngoại giao Việt Nam 1945-1995” do Nxb Công an Nhân dân phát hành năm 2004 đã viết tên các quốc gia một cách không đồng bộ. Khi thì ông dùng: Pakistan, Philippines, Indonesia, Miến Điện, Sri Lanka (tr. 183). Quốc gia Miến Điện (Burma) đã được giới lãnh đạo quân nhân đổi tên thành Myanmar từ năm 1989. Nhiều báo trong nước dùng tên này, trong khi ông Lưu Văn Lợi và các đài tiếng Việt quốc tế VOA, BBC, Á châu Tự do (RFA) vẫn dùng danh xưng “Miến Điện”. Ở chỗ khác ông Lợi lại có lối viết: Apghanistan, Hunggari, Ethiôpi, Tiệp Khắc, Mông Cổ, Australia (tr. 469) hay Nam Tư, Libăng, En Sanvado (tr. 490).

Trong tác phẩm “Từ chiến trường khốc liệt”, bản dịch từ “Live from the battlefield” của phóng viên chiến trường Peter Arnett, do Nxb Thông tấn phát hành năm 2009, tên quốc gia Israel khi thì viết như thế (tr. 307), theo tiếng Anh, khi lại viết là Do Thái (tr. 316).

Như thế nghĩa là chính tác giả, người dịch hay những nhà biên tập của hai quyển sách trên cũng không theo một tiêu chí đồng nhất nào về việc viết tên gọi của quốc gia.

Thêm những trích dẫn dưới đây cho thấy rõ hơn tính bất nhất trong cách dùng tiếng Việt về tên gọi của nhiều quốc gia mà đến nay dường như không có một chính sách hay chỉ đạo nào về việc thống nhất cách dùng.

- Tại Singapore hiện có công nhân xây dựng từ Bangladesh, nhân viên khách sạn từ Philippines, hầu bàn từ Trung Quốc, thợ hàn từ Myanmar, chuyên gia công nghệ thông tin từ Ấn Độ. (Người lao động 20.03.2010)

- Gần 22 giờ đêm 4/4, chuyến phi cơ mang số hiệu VN700 đưa đoàn cung rước 8 viên ngọc xá lợi Phật do Đức tăng thống Myanmar trao tặng, đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài trong nghi lễ trang trọng (Dân trí 05.04.2010)

- Lãnh đạo Việt Nam, Miến Điện ký hiệp ước kinh tế (VOAnews.com 03.04.2010)

- Ý nghĩa chuyến thăm Miến Điện của Thủ tướng Việt Nam (RFA 05.04.2010)

- Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa kết thúc chuyến thăm chính thức Miến Điện, gặp gỡ các quan chức hàng đầu nước này vào cuối tuần rồi. (BBCVietnamese.com 04.04.2010)


- Cáo trạng cho biết từ năm 1998 đến 2008, Daimler đã chi hơn 50 triệu USD để hối lộ quan chức 22 nước, trong đó có Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Nigeria, Iraq và cả Việt Nam… (Tuổi trẻ 25.03.2010)

- Chuyến thăm Indonesia và Úc như dự định ban đầu là ngày 18-3 đã được dời đến ngày 21-3 để ông Obama có thể có mặt ở Washington vào cuối tuần trực tiếp vận động cho dự luật này. (Tuổi trẻ 20.03.2010)

- Ở Mỹ hiện có Tạp chí Châu Á, có Tạp chí Ðông Nam Á rất uy tín nhưng không thể đủ cho nhu cầu. Hơn nữa, ở đây đã có nhiều tạp chí riêng về các nước Châu Á như: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Indonexia, Thái Lan, Philipin, Campuchia… nhưng chưa có một tờ dành riêng cho Việt Nam. Vậy nên việc thành lập tạp chí này cũng là rất hợp lý. (Phỏng vấn Phó giáo sư Peter Zinoman, Bản tin ĐHQG Hà Nội số 213 năm 2008)

Tại sao dùng danh từ riêng Thổ Nhĩ Kì (Turkey), Ai Cập (Egypt), Ấn Độ (India), Nhật Bản (Japan) mà không thể gọi Tân Gia Ba cho Singapore, Nam Dương cho Indonesia, Mã Lai cho Malaysia hay Phi Luật Tân cho Philippines?

Sự việc tên một quốc gia có đến hai ba cách viết khác nhau trong cùng một ngôn ngữ thì kể là cũng lạ.

Không biết những nhà ngôn ngữ học Việt Nam đã có bao giờ tìm cách đi đến một sự đồng thuận trong cách viết danh từ riêng tên quốc gia, địa danh tiếng nước ngoài chưa? Nếu đã có những cố gắng thì nguyên do nào mà vẫn còn những cách viết khác nhau như thế?


About Bùi Văn Phú
Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống ở vùng Vịnh San Francisco, California. Ông đã làm việc trong chương trình Peace Corps của Hoa Kỳ tại Togo, châu Phi và với Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc ở Đông nam Á.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét